Cơ hội và thách thức của ngành phân bón Việt Nam trong thời đại mới
Ngành phân bón đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và ổn định kinh tế. Trong bối cảnh cần nâng cao chất lượng nông sản để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, phân bón là yếu tố then chốt giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam khoảng trên 11 triệu tấn/năm, gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu, trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 8 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, cơ cấu sản xuất mất cân đối khiến có loại phân dư thừa, có loại lại thiếu hụt.
Về xuất khẩu, theo Cục Hải quan (Bộ Tài Chính), trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu phân bón tăng với 760.707 tấn, kim ngạch gần 294 triệu USD, giá trung bình 386,5 USD/tấn; tăng 21,8% về lượng và 16,5% về giá trị so với cùng kỳ 2024. Trong đó Campuchia là thị trường lớn nhất với 205.365 tấn (67,91 triệu USD), chiếm 27% tổng lượng xuất khẩu, tăng 40,9%. Tiếp theo là Hàn Quốc với 99.458 tấn (40,28 triệu USD, tăng 19,3%) và Malaysia với 65.196 tấn (26,4 triệu USD, tăng 44,8%). Các thị trường khác như Lào, Đài Loan và Mozambique cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh: Lào tăng 80% về lượng, 152% về giá trị; Đài Loan tăng gần gấp đôi; Mozambique tăng 69% về lượng, 116% về kim ngạch.

Hiện nay ngành phân bón Việt Nam đang mở rộng hiệu quả thị trường, đặc biệt tại châu Á và châu Phi, nhờ tận dụng tốt nhu cầu phân bón gia tăng để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao vị thế quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, ngành cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Việc lạm dụng phân bón vô cơ dẫn đến thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường và chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina và ENSO làm biến động sản lượng nông nghiệp, kéo theo nhu cầu phân bón thay đổi thất thường. Nhận thức của nông dân còn hạn chế, nhiều người vẫn sử dụng phân bón vô cơ quá mức, gây lãng phí và hại môi trường.
Ngành còn chịu áp lực từ sự cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về công nghệ và chi phí, trong khi giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là khí đốt và khoáng chất, biến động mạnh, làm gia tăng chi phí sản xuất.
Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp phân bón cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để đầu tư công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, do hạn chế từ hệ thống tín dụng và tài chính hiện nay.
Doanh nghiệp phân bón chủ động cải tiến để nâng chất lượng, giảm hao phí
Để khắc phục những khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất vào sản suất bước đầu mang lại nhiều hiệu quả khả quan, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Điển hình, trong quá trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã chủ động triển khai nhiều công cụ cải tiến kỹ thuật và quản lý, lấy đổi mới công nghệ làm nền tảng phát triển bền vững. Một trong những công cụ tiêu biểu được PVCFC áp dụng là phân tích chuỗi giá trị sản xuất, kết hợp với hệ thống 5S – Kaizen tại nhà máy nhằm tối ưu hóa từng công đoạn vận hành.
Đặc biệt, công ty đầu tư mạnh vào cải tiến công nghệ sản xuất phân bón, áp dụng kỹ thuật Bio-Coating để tạo lớp phủ sinh học cho phân ure, giúp kiểm soát tốc độ tan, giảm thất thoát đạm, từ đó tăng hiệu suất sử dụng phân lên tới 30%. Đồng thời, PVCFC triển khai hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ (Quality Control) nghiêm ngặt theo từng lô sản phẩm, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra.
Nhờ các giải pháp này, năng suất thiết bị tăng, tổn thất nguyên vật liệu giảm, và độ ổn định chất lượng phân bón được nâng cao rõ rệt. Nhà máy của PVCFC hiện thuộc nhóm 10% đơn vị có mức tiêu hao năng lượng thấp nhất thế giới trong ngành ure, theo đánh giá của Haldor Topsoe (châu Âu). Việc cải tiến không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu phân bón Cà Mau trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình – một trong những nhà sản xuất phân đạm lớn ở miền Bắc đã từng gặp nhiều thách thức về công nghệ và hiệu suất vận hành. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở lại đây, công ty đã mạnh dạn triển khai hàng loạt công cụ cải tiến năng suất chất lượng để đổi mới toàn diện dây chuyền sản xuất.
Trọng tâm cải tiến của Đạm Ninh Bình là tái cấu trúc quy trình sản xuất ure theo hướng tối ưu hóa tiêu hao nguyên, nhiên liệu. Công ty áp dụng Lean Manufacturing để loại bỏ các công đoạn dư thừa, rút ngắn thời gian chu trình sản xuất, đồng thời kiểm soát tốt các chỉ tiêu tiêu hao điện, nước, hơi, và amoniac trong quy trình tổng hợp ure. Nhờ đó, tỷ lệ tiêu hao năng lượng giảm từ 5–8% so với giai đoạn trước.
Đồng thời, doanh nghiệp đưa vào sử dụng hệ thống điều khiển phân tán (DCS) thế hệ mới, cho phép tự động giám sát các thông số kỹ thuật và phản ứng hóa học trong thời gian thực. Việc tích hợp chỉ số OEE (hiệu suất thiết bị tổng thể) giúp công ty phát hiện nhanh các điểm nghẽn trong thiết bị và quy trình, từ đó đưa ra các giải pháp cải tiến có căn cứ dữ liệu cụ thể.
Song song với đó, Đạm Ninh Bình còn triển khai chương trình đào tạo nội bộ theo chuẩn ISO 9001:2015, nâng cao trình độ quản lý chất lượng và kỹ năng vận hành cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Việc áp dụng các công cụ cải tiến đồng bộ không chỉ giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn, mà còn đưa nhà máy dần tiệm cận chuẩn vận hành hiệu quả của các nhà máy hiện đại trong khu vực Đông Nam Á.
Hay Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam đã áp dụng mạnh mẽ các công cụ cải tiến để nâng cao năng suất – chất lượng sản phẩm. Nổi bật là việc triển khai Kaizen – cải tiến liên tục, giúp tối ưu từng công đoạn sản xuất từ khâu phối trộn, đóng bao, vận chuyển đến lưu kho. Đồng thời, công ty áp dụng 5S tại xưởng, giúp duy trì môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn và hiệu quả.
Về công nghệ, Bình Điền đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại kết hợp hệ thống tự động hóa giám sát sản xuất theo chuẩn ISO 14001. Hệ thống này không chỉ giúp giám sát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào mà còn điều chỉnh tự động tỷ lệ phối trộn vi lượng – đa lượng theo từng loại cây trồng, vùng đất. Điều này làm tăng tính linh hoạt và chính xác trong sản xuất.
Công ty cũng phát triển bộ chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE) để theo dõi sát sao mức độ sử dụng tài nguyên và công suất thiết bị. Nhờ đó, Bình Điền duy trì năng suất cao trong khi giảm đáng kể hao hụt vật tư. Cùng với đó là hệ thống đào tạo nội bộ liên tục cho công nhân vận hành, đảm bảo toàn bộ quy trình luôn được thực hiện theo đúng chuẩn và có cải tiến định kỳ.
Việc ứng dụng công cụ cải tiến một cách đồng bộ đã giúp Bình Điền nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu sai lỗi và tăng độ tin cậy, từ đó duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành phân bón Việt Nam
Nguồn bài viết: https://vietq.vn/nganh-phan-bon-viet-nam-but-toc-tu-ap-dung-cong-nghe-va-cac-cong-cu-cai-tien-nang-suat-d234314.html
Ngày đăng: 18-06-2025
Tác giả: An Dương