
ISO 14001 là bộ tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý môi trường, được thiết kế để xác định các nguyên tắc và yêu cầu trong việc xây dựng hệ thống quản lý môi trường của doanh nghiệp.
ISO 14001 thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Do đó, tiêu chuẩn này không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất mà còn phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp và ngành nghề. Tuy nhiên, có một vài đối tượng cần phải áp dụng tiêu chuẩn này, có thể kể đến như:
Các doanh nghiệp chế biến và sản xuất: Nhà máy, xí nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng là mối đe dọa tiềm ẩn cho môi trường. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở này thường sử dụng nguyên liệu thô, phát thải khí độc hại, nước thải chưa qua xử lý và xử lý chất thải rắn không đúng cách.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, luyện kim và hóa chất: Quá trình khai thác, luyện kim, sản xuất hóa chất thường tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do sử dụng hóa chất độc hại, phát sinh khí thải và nước thải nguy hại.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải, sử dụng phế liệu nhập khẩu, sản xuất xi mạ, làm sạch kim loại: Quá trình hoạt động của các tổ chức này có thể phát sinh nhiều chất nguy hiểm như nước thải chứa kim loại nặng, hóa chất, bụi, CO2, NOx, SOx…
Thời gian qua, số lượng lớn tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường đã có những chiến lược trong việc áp dụng ISO 14001. Các Tập đoàn, Tổng công ty có mức sản xuất lớn, tác động trực tiếp đến môi trường như: Tập đoàn Hòa Phát; Tổng Công ty xi măng như Xi măng Hoàng Thạch, Bỉm Sơn,... Công ty cổ phần Sữa Việt Nam,... ngay từ những ngày đầu đều đã xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 và nâng cấp theo theo từng phiên bản. Gần đây, các Tập đoàn lớn cũng yêu cầu bắt buộc áp dụng ISO 14001 cho cả các công ty thành viên.
Ở nước ta, chứng chỉ ISO 14001 đã được cấp cho nhiều tổ chức với các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đa dạng doanh nghiệp áp dụng như các công ty chế biến thực phẩm (mía đường, thủy sản, rượu bia giải khát…), các công ty về chế biến (nông, lâm, thủy hải sản), Điện tử, Hóa chất (dầu khí, sơn, bảo vệ thực vật), Vật liệu xây dựng, Du lịch - Khách sạn đang chiếm tỷ lệ rất lớn.
Nhiều chuyên gia năng suất khuyến cáo, mặc dù không bắt buộc phải tuân thủ bộ tiêu chuẩn này trong giao thương quốc tế, song một doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 14001 sẽ có lợi thế trong chiến lược cạnh tranh không chỉ tạo sự bền vững lâu dài mà còn là nhu cầu cấp thiết trong kinh doanh.
Nguồn bài viết: https://vietq.vn/tieu-chuan-iso-14001-nang-cao-suc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-tren-thi-truong-quoc-te-d234305.html
Ngày đăng: 17-06-2025
Tác giả: Mai Phương